Hưởng ứng Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I ốt – 02/11 năm 2023

  1. VAI TRÒ CỦA MUỐI I-ỐT

I-ốt là một vi chất tự nhiên, là nguyên liệu tham gia vào quá trình tổng hợp thyroxin là một hormone tuyến giáp. Hormone thyroxin cần thiết cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em và giúp điều hòa chuyển hóa năng lượng. Khi thiếu I-ốt, việc sản xuất thyroxin bị giảm sút, tuyến giáp phải hoạt động bù dưới sự kích thích của hormone tuyến yên nên phì to dần. Tuy nhiên, nếu thiếu I-ốt quá trầm trọng thì có thể gây thiểu năng tuyến giáp. Vấn đề nghiêm trọng nhất của thiếu I-ốt là ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.

Thiếu I-ốt có thể gây khiếm khuyết trí não cho trẻ em. Chế độ ăn của người mẹ nghèo I-ốt trong thời gian có thai sẽ ảnh hưởng tới năng lực trí tuệ của đứa con sau này. Ở những vùng có tỷ lệ bướu cổ cao, ngoài một số trẻ bị thiểu năng trí tuệ do thiếu I-ốt còn có trẻ có khả năng phát triển trí tuệ kém.

  1. NHU CẦU I-ỐT HÀNG NGÀY

Bảng Nhu cầu I-ốt khuyến nghị *
(Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, 2007)

*. Để đảm bảo nhu cầu I-ốt khuyến nghị, toàn dân cần sử dụng muối I-ốt hàng ngày

III. HẬU QUẢ DO THIẾU I-ỐT

Khi bị thiếu I-ốt sẽ bị chậm phát triển thần kinh, giảm khả năng lao động và học tập, giảm trí thông minh, gây giảm năng lực học tập (IQ giảm 10-15 điểm), giảm trí nhớ, chậm phát triển thể chất, bướu cổ, rối loạn chức năng sinh sản (sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non…), cân nặng sơ sinh thấp, và tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở trẻ em.

  1. CÁC ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ, CHẨN ĐOÁN THIẾU I-ỐT
  2. Các đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu I-ốt:

Tất cả mọi người dân, mọi lứa tuổi đều có thể bị thiếu I-ốt nhưng các đối tượng có nguy cơ cao hơn gồm có trẻ em, phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú.

  1. Chẩn đoán bướu cổ và tình trạng rối loạn do thiếu I-ốt

2.1. Chẩn đoán bướu cổ lâm sàng:

– Độ 0 (không có bướu cổ): Không sờ thấy, không nhìn thấy tuyến giáp hoặc sờ thấy tuyến giáp nhưng mỗi thùy bên của tuyến giáp có kích thước nhỏ hơn đốt cùng ngón tay cái người được khám.

– Độ 1 (bướu cổ sờ thấy): Sờ thấy tuyến giáp, mỗi thùy bên của tuyến giáp có kích thước lớn hơn đốt cùng ngón tay cái của người được khám, không nhìn thấy tuyến giáp khi cổ ở tư thế bình thường, khi ngửa cổ tối đa có thể nhìn thấy tuyến giáp di động lên trên khi bệnh nhân nuốt. Bướu cổ độ 1 bao gồm bướu cổ 1a và 1b như phân loại trước đây.

– Độ 2 (bướu cổ nhìn thấy): Tuyến giáp to, nhìn thấy được khi cổ ở tư thế bình thường. Bướu cổ độ 2 bao gồm bướu cổ độ 2 và độ 3 theo phân loại trước đây.

2.2. Chẩn đoán các rối loạn trí tuệ do thiếu I-ốt:

– Thiểu năng tuyến giáp sơ sinh xác định khi trẻ mới sinh đến 4 tháng: Khó bú, khó nuốt, ít cử động, cơ nhẽo, rốn lồi, thóp rộng, lưỡi dầy, tóc mọc thưa.

– Bệnh đần độn: Trẻ ít hoặc hầu như không giao tiếp được với cộng đồng, thường có vẻ mặt ngớ ngẩn, hành vi bất thường như khóc cười vô cớ, chân bước lòng khòng, thường kèm theo khuyết tật: nói ngọng, nghễnh ngãng, mắt lác, liệt hai chân.

– Thiểu năng tuyến giáp ở trẻ nhỏ: Trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm chạp, hay ngủ nhiều, hay quên, học kém.

  1. PHÒNG CHỐNG THIẾU I-ỐT

Toàn dân sử dụng muối I-ốt trong chế biến bữa ăn hàng ngày: Sử dụng muối I-ốt là biện pháp hữu hiệu nhất phòng chống thiếu I-ốt.

– Sử dụng muối I-ốt như muối thường. Dùng muối I-ốt để nấu ăn, chấm hoa quả, chấm thịt… ướp cá, ướp các loại thực phẩm, dùng muối I-ốt để muối dưa, cà và chế biến các loại thức ăn khác rất tốt.

– Khi nấu ăn, có thể cho muối I-ốt vào trước, trong, sau khi nấu đều được vì hàm lượng I-ốt trộn vào muối đã được tính toán đảm bảo lượng I-ốt mất đi trong quá trình bảo quản, lưu thông và khi chế biến hoặc nấu nướng vẫn cung cấp đủ I-ốt cho cơ thể con người.

– Bảo quản muối I-ốt trong hộp hay lọ kín, để ở nơi khô ráo, mát không bị ánh nắng chiếu vào muối (tránh để muối quá gần bếp lửa).

(Nguồn: Viện dinh dưỡng quốc gia)